En    

Hotline

028 7301 6010

Service Hotline 028 7301 6010
Nhận tin
  En    

Tham nhũng: chuyện không còn riêng của cán bộ, công chức Nhà nước

Khi nói đến tham nhũng chúng ta thường nghĩ ngay rằng chỉ có cán bộ, công chức nhà nước mới có tham nhũng, bên ngoài, kinh tế tư nhân cạnh tranh với nhau khốc liệt, ai có tiền nhiều thì có nhiều cơ hội kinh doanh; ai có khả năng thì được trả công tương xứng, v.v… chẳng có lý do gì mà tham nhũng. Cũng chính vì có suy nghĩ như vậy mà chúng ta đã bỏ qua các dấu hiệu quan trọng hoặc thậm chí đã thực hiện hành vi vi phạm mà không hay biết.

Cũng tương tự như trong khu vực Nhà nước, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm[1]:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Tham ô tài sản là gì?

Khi một người được phân công quản lý một số tài sản của doanh nghiệp mà người đó lợi dụng trách nhiệm này để lấy trộm tài sản mà người đó được giao quản lý thì có thể bị coi là đang thực hiện hành vi tham ô tài sản.

Để phân biệt với hành vi trộm cắp tài sản, người thực hiện hành vi này được doanh nghiệp phân công nhiệm vụ quản lý một số tài sản nhất định, còn hành vi trộm cắp thì không có dấu hiệu này.

Nếu xem xét trách nhiệm của các phòng chức năng trong doanh nghiệp thì thông thường có ba phòng có trách nhiệm quản lý tài sản của doanh nghiệp đó là: phòng hành chính, phòng công nghệ thông tin và phòng Kế toán.

Ví dụ, nhân viên phòng Hành chính đã lợi dụng việc được giao quản lý một số dụng cụ, văn phòng phẩm cho Công ty để thường xuyên lấy tiêu xài cá nhân hoặc gom lại rồi đem bán ra bên ngoài.

 Như thế nào là nhận hối lộ? Đưa hối lộ? Môi giới hối lộ?

“Hối lộ” là gì? Nói một cách bình dị, hối lộ là “đút lót” cho người khác để người này thực hiện hoặc không thực hiện một việc gì đó vì lợi ích của người đút lót. Như vậy, rõ ràng rằng việc đút lót không chỉ gói gọn trong phạm vi cơ quan Nhà nước nữa mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu, khi mà bất kỳ ai cũng có lòng tham muốn: muốn được nhận nhiều tiền thưởng; muốn được công nhận giá trị thành quả, v.v.

Ai có thể bị coi là đã nhận hối lộ? Tương ứng với người nhận hối lộ thì sẽ có người đưa hối lộ. Một số trường hợp sẽ có người làm trung gian hỗ trợ để người đưa hối lộ và người nhận hối lộ “gặp nhau” để hối lộ; người này được gọi là người môi giới hối lộ.

Trước hết, người bị xem xét hành vi nhận hối lộ phải thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu sau là (i) người có quyền làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ, quyền làm hay không làm này không nhất thiết phải là của người có chức năng lãnh đạo đội, nhóm, phòng mà có thể là bất kỳ người nào trong doanh nghiệp; (ii) trực tiếp hoặc gián tiếp nhận bất kỳ khoản lợi nào (vật chất hay tinh thần); (iii) khoản lợi này được chính người nhận hối lộ thụ hưởng hoặc bên khác thụ hưởng.

Còn người đưa hối lộ là người vì muốn đạt được lợi ích không chính đáng nào đó mà đã thực hiện hành vi hối lộ cho người nhận hối lộ.

Người làm trung gian môi giới hối lộ có thể có hoặc không có vì không phải lúc nào cũng cần có qua trung gian thì mới thực hiện được hành vi hối lộ.

Trên thực tế, việc hối lộ có thể xảy ra tại bất kỳ phòng chức năng nào của doanh nghiệp. Chẳng hạn, lấy ví dụ tại Công ty Chailease, nhân viên phòng Kinh doanh có thể thực hiện hành đưa hối lộ cho nhân viên phòng Tín dụng để đạt được đề xuất cấp tín dụng có lợi cho khách hàng. Hay, nhân viên phòng Kế toán có thể nhận một khoản lợi ích nào đó từ nhân viên của Công ty để thực hiện việc giải ngân khi chứng từ giải ngân chưa đầy đủ theo quy định nội bộ của Công ty.

Thậm chí, trong cùng một phòng chức năng với nhau vẫn có thể xảy ra tình trạng đưa & nhận hối lộ để có được sự chấp thuận vì có thể hồ sơ có liên quan không đáp ứng các yêu cầu của Công ty. Tuy nhiên, hành vi này có thể bị xem xét xử lý theo một tội danh khác tùy theo dấu hiệu và động cơ của người có hành vi vi phạm tại thời điểm thực hiện.

Nếu vì lợi ích nhất thời mà chúng ta thực hiện hành vi không được pháp luật bảo vệ thì không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà còn có thể ảnh hưởng đến gia đình của mình nếu chẳng may chịu án phạt tù. Hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ việc gì./.


[1] Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Hình minh hoạ: Nguồn Internet


Tin tức khác

Mạng lưới quốc tế